0
Tin tức

Kỹ thuật trồng cây măng tây theo tiêu chuẩn GLOBAL GAP

GIỚI THIỆU VỀ CÂY MĂNG TÂY

Măng tây có xuất xứ từ vùng bờ biển phía tây Châu Âu (Tây ban Nha, Ireland, Anh, Đức, Hy Lạp, La Mã), Bắc Phi, Tây Á và vùng Địa Trung Hải. Măng tây được trồng từ 2.500-3.000BC (trước Tây lịch) tại Ai Cập dùng làm thuốc. Người Tây Ban Nha, Hy Lạp, La Mã và Syria đã cất trữ măng trong núi băng dãy Alps làm rau trong mùa đông.

Ở Việt Nam, dù là cây trồng mới nhưng cây măng tây đã được trồng phổ biến tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai, Củ Chi, Bình Phước, Vĩnh Long, An Giang,… để phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ nội địa. Ninh Thuận là tỉnh có diện tích trồng măng tây lớn nhất Việt Nam.

Cây măng tây dễ trồng, cho thu nhập kinh tế cao so với các loại rau củ quả khác, vì sau khi trừ chi phí người trồng vẫn có thể lãi 300-500 triệu đ/ha/năm tuỳ theo cách chăm sóc.

Giá mua măng tây còn nhiều biến động, lúc cao điểm giá măng loại 1 là 90.000-100.000 đồng/kg, lúc thấp nhất khoảng 40.000-50.000 đồng/kg.

Đặc điểm của cây măng tây

Rễ cây măng tây:

Rễ cây, cây măng tây phát triển hai loại rễ thường được gọi là rễ thịt và rễ xơ.

Rễ thịt là cơ quan hấp thụ như cũng như các cơ quan lưu trữ. Bề mặt của rễ thịt non được bao phủ bởi các sợi lông hoạt động

Rễ sợi phát sinh từ rễ thịt và chức năng chỉ trong một năm và sau đó chết. Rất nhiều rễ sợi mới phát triển mỗi mùa và hoạt động gần như độc lập như các cơ quan hấp thụ.

Măng tây thuộc cây trồng lâu năm có bộ rễ phát triển. Trong điều kiện chăm sóc tốt, sau trồng 2-5 năm bộ rễ có thể lan rộng 0,7-1,0m và ăn sâu tới 2,0m. Ngay sau khi hạt nảy mầm, rễ chính rất ngắn bị chết. Thay vào đó là một rễ trụ thẳng đứng được tạo thành và các rễ khác mọc ngang từ rễ trụ này tạo thành chùm rễ măng tây, ta gọi là rễ chùm. Sau đó ở khoảng cách gần mặt đất, trên các đốt của rễ trụ hình thành các thân mầm mới - được gọi là măng.

ky-thuat-trong-va-phong-tri-benh-tren-cay-mang-tay-theo-tieu-chuan-global-gap

ky-thuat-trong-va-phong-tri-benh-tren-cay-mang-tay-theo-tieu-chuan-global-gap

ky-thuat-trong-va-phong-tri-benh-tren-cay-mang-tay-theo-tieu-chuan-global-gap

Cây măng tây có thể sống thọ đến 25 năm như những cây lâu năm khác.

 

Chồi măng tây:

Sản phẩm chính măng tây hàng hóa là các chồi măng non, có tên thương mại là rau măng tây. Chồi măng tây là nơi tập trung các chất dinh dưỡng của cây măng. Trước khi nhú khỏi mặt đất, các chồi non măng tây xanh khởi đầu có thân màu trắng (măng tây trắng), khi mọc cao khỏi mặt đất, nhờ tiếp xúc với ánh nắng trực tiếp nên chúng chuyển thành màu xanh và phát sinh ra cành lá. Chồi măng tây được thu hoạch trong nhiều năm (8-10 năm) nhưng sản lượng lớn thường tập trung ở các năm thứ 3 đến thứ 5. Sang năm thứ 7-8, khi năng suất và chất lượng giảm thì cần phá đi để trồng mới. Khi thu hoạch măng tây, người ta phân loại chồi măng để bán theo đường kính gốc thành các loại 1,2,3,4.

ky-thuat-trong-va-phong-tri-benh-tren-cay-mang-tay-theo-tieu-chuan-global-gap

 

Thân, cành, lá măng tây:

Măng tây là thực vật thân thảo lâu năm. Chiều cao thân chính trong năm đầu đạt khoảng 150-200cm. Cành sinh ra trực tiếp từ thân chính, tán lá mềm rũ xuống. Do thân cây yếu nên trồng ở vùng nhiều gió phải có cây chống, dây buộc hoặc lưới để tránh đổ ngã. Lá biến thái thành dạng cây kim, một chùm có 4-15 lá kim nhỏ mọc xung quanh cành.

Hoa măng tây:

Măng tây là loại thực vật có cả hoa đực và hoa cái nhưng thường trên 1 cây chỉ có 1 loại hoa. Hoa mọc đơn hoặc thành cụm 2-3 cái. Nhưng đôi khi cũng có những cây lưỡng tính (có cả hoa đực và hoa cái). Những cây cái ra quả chất lượng măng kém hơn những cây đực hoặc cây lưỡng tính.

Hoa đực lớn hơn và dài hơn hoa cái, chứa 6 nhị hoa phát triển tốt và 1 nhụy hoa thô sơ. Hoa cái có 6 nhị hoa thô sơ và 1 buồng trứng 3 thùy phát triển tốt.

ky-thuat-trong-va-phong-tri-benh-tren-cay-mang-tay-theo-tieu-chuan-global-gap

Quả măng tây:

Quả non có màu xanh, nhưng trở nên đỏ khi chín. Nó có hình dạng gần như hình cầu và thường có ba khoang hạt. Mỗi quả có 3-6 hạt nhỏ màu đen, vỏ hạt rất cứng.

ky-thuat-trong-va-phong-tri-benh-tren-cay-mang-tay-theo-tieu-chuan-global-gap

Điều kiện sinh trưởng của cây măng tây

Nhiệt độ:

Nhiệt độ thích hợp cho măng tây sinh trưởng phát triển trong khoảng 25o-33oC. Hạt măng tây có thể nảy mầm ở nhiệt độ 20oC-25oC. Măng tây đặc biệt thích hợp với vùng khí hậu nhiệt đới có nhiệt độ trung bình 20oC-30oC.

Ánh sáng:

Măng tây là cây ưa ánh sáng, thời gian chiếu sáng thích hợp trên 7-8 giờ/ngày.

Ẩm độ, lượng mưa, nước tưới:

Măng tây ưa ẩm độ không khí 60-70%, ẩm độ đất 70-75%, yêu cầu lượng mưa thấp <1000 mm/năm. Nước tưới là nước ngọt không nhiễm mặn, nhiễm phèn (nước mương thủy lợi, nước ao hồ, nước giếng khoan). Nồng độ muối (S‰) dưới 0.5‰ (phần nghìn). Măng tây rất sợ úng, để úng nước 8 giờ chồi măng biến dạng cong vẹo, thối rễ cây không cho thu hoạch, ngập nước 24 giờ măng sẽ bị chết.

Đất trồng măng tây:

Đất trồng măng tây tốt nhất là đất thịt nhẹ, tơi xốp, giàu chất hữu cơ, đất phù sa mới, bồi ven sông, đất cát pha. Độ chua pH = 6.5–7.5

Mực nước ngầm phải sâu >1m.

Tầng canh tác dày >100-150 cm, thế đất gò cao ráo, thoát nước tốt, đất bằng phẳng độ dốc không quá 10%, không bị ngập úng, không nhiễm phèn, nhiễm mặn.

Không trồng trên đất có tầng đất sét cứng, sạn sỏi, đá ngầm.

Gió:

Gió nhẹ dưới cấp 3 (3-5m/s hay 12-19km/h) cây măng tây sinh trưởng tốt, ít bị bệnh hại do sương không đọng trên lá. Gió nhẹ thì việc trao đổi không khí thuận lợi, cây trồng có đủ khí O2 (ban đêm) và CO2 (ban ngày) để hô hấp, năng suất cao hơn.

Những vùng oi nóng không có gió, sương nhiều, trồng măng tây hiệu quả kinh tế thấp do bị bệnh.

Gió mạnh cấp 4 trở lên (trên 5m/s hay trên 20 km/h) làm thân cây bị nứt gãy, lay gốc, bật rễ, chồi măng cong vẹo, năng suất và phẩm chất giảm. Gió mạnh làm tăng mức độ bốc thoát hơi nước, cây khô héo, sinh trưởng còi cọc.

Yêu cầu đối với người trồng măng tây

Vốn đầu tư sản xuất măng tây:

Vốn đầu tư cho mỗi công/sào = 1.000m2 đất trồng cây măng tây cần chuẩn bị 25-35 triệu đồng để chi cho 6-8 tháng đầu tiên.

Diện tích trồng măng tây:

Để có điều kiện chăm sóc cây thật tốt, mỗi nông hộ làm kinh tế gia đình chỉ nên trồng 1.000-2.000m2, khi có đủ điều kiện mới trồng nhiều hơn.

Năng lực sản xuất măng tây của một công lao động:

Một lao động có thể chăm sóc tốt 2.000m2 cây măng tây. Mỗi hecta đất trồng măng tây cần 4-5 lao động có kinh nghiệm, có sức khoẻ tốt và siêng năng. Từ năm thứ 2-3, khi cây cho thu hoạch ổn định, cần tuyển lao động thời vụ để thu hoạch, chế biến, đóng gói, bảo quản sản phẩm.

KỸ THUẬT ƯƠM CÂY GIỐNG MĂNG TÂY

Kỹ thuật ươm cây giống măng tây bằng bầu nilon

- Bầu ươm cây giống măng tây có đường kính 6-8cm cao 10-15cm có đục lỗ sẵn.

- Giá thể làm bầu gồm 1/3 đất + 1/3 cát sạch + 1/3 phân hữu cơ ủ hoai.

- Phơi hạt măng tây 2 giờ để kích thích mọc mầm, ngâm nước 12 giờ, vớt ra rửa sạch và gieo hạt vào giữa bầu có giá thể, chiều sâu gieo hạt 1,5cm (1 đốt tay) sau đó phủ kín hạt.

- Hạt giống đã xử lý thuốc thì không cần phải ngâm ủ mà gieo trực tiếp.

- Tưới nước giữ ẩm hàng ngày, che chắn khỏi gia súc hay chim phá hoại.

- Từ khi gieo đến mọc mầm là 12-15 ngày, chăm sóc tiếp tục đến 60 ngày tuổi thì đem trồng ra ruộng sản xuất.

ky-thuat-trong-va-phong-tri-benh-tren-cay-mang-tay-theo-tieu-chuan-global-gap

Ươm bầu măng tây con.

Kỹ thuật làm luống chìm ươm cây giống măng tây trên đất cát

- Chuẩn bị đất 1 tháng trước khi trồng: dọn sạch cỏ dại, cày phơi ải và bón phân hữu cơ (ủ hoai) trước khi gieo hạt.

- Làm luống chìm tương tự ươm hạt giống rau, kích thước luống 0,8m, bờ rộng 0,2m cao 0,2m.  Dùng cây cỡ kéo hàng gieo hạt khoảng cách hàng 10cm.

- Phơi hạt măng tây 2 giờ để kích thích mọc mầm, ngâm nước 12 giờ, vớt ra rửa sạch và gieo hạt vào rãnh khoảng cách gieo hạt (hàng x cây) 10cm x 6cm, sâu 1cm (1 đốt tay) và lấp kín hạt bằng trang gỗ.

- Hạt giống đã xử lý thuốc thì không cần phải ngâm ủ mà gieo trực tiếp.

- Tưới nước giữ ẩm hàng ngày bằng hình thức tưới rãnh, không dùng vòi phun và không nên tưới bằng hệ thống phun mưa vì cây non rất yếu dễ bị đổ rạp chết cây.

ky-thuat-trong-va-phong-tri-benh-tren-cay-mang-tay-theo-tieu-chuan-global-gap

Làm luống, tạo rãnh, gieo hạt măng tây tại An Hải, Ninh Hải, Ninh Thuận

Kỹ thuật làm luống nổi ươm cây giống măng tây trên đất thịt pha cát

- Chọn đất làm vườn ươm giống như ươm hạt giống cây rau.

- Đất cày bừa kỹ, sạch cỏ dại, bón phân hữu cơ ủ hoai trước khi gieo hạt tối thiểu 30 ngày.

- Lên luống nổi: rộng 1m, cao 0,3m, rãnh rộng 0,4m.

- Dùng cây tròn hay cây vuông đường kính 20mm dập trên mặt luống thành các hàng cách nhau 10cm, sâu 2cm để tạo hàng gieo hạt.

- Phơi hạt 2 giờ để kích thích mọc mầm, ngâm nước 12 giờ, vớt ra rửa sạch và gieo ngay.

- Gieo hạt khoảng cách (hàng x cây): 10cm x 6cm, lấp đất xốp dày 1cm để phủ kín hạt.

- Tủ một lớp rơm mỏng để tưới nước không bị kết váng bề mặt, sau 15 ngày cây măng bắt đầu mọc thì dỡ bỏ hết lớp rơm để cây con mọc bình thường.

- Tưới nước giữ ẩm hàng ngày bằng bình ô doa (bình hoa), không dùng vòi phun và không nên tưới bằng hệ thống phun mưa vì cây non rất yếu dễ bị đổ rạp chết cây.

Phòng trừ sâu bệnh, dịch hại cho cây giống măng tây

+ Trừ dế nhũi khi gieo hạt bằng bả cám rang trộn với thuốc Regen hoặc Cypermethrin.

+ Trừ bệnh chết cây con, bệnh đốm tím bằng thuốc có gốc Đồng hoặc Monceren.

 ky-thuat-trong-va-phong-tri-benh-tren-cay-mang-tay-theo-tieu-chuan-global-gap

+ Phòng trừ chim sẻ cắn cây bằng lưới chim loại sợi 0,85mm, mắt 3cm, cao 5m, dài 20m.

Bón phân cho cây giống măng tây

+ Từ khi gieo hạt đến mọc mầm 15 ngày không bón phân.

+ Sau gieo 30 ngày tưới phân bón lá Humix liều dùng theo khuyến cáo.

+ Sau gieo 45 ngày tưới phân DAP (ngâm và tưới theo nước) pha loãng 1-2kg/1000m2.

+ Sau gieo 60 ngày tưới phân DAP, liều lượng như trên.

+ Sau gieo 75 ngày tưới phân DAP, dừng tưới phân trước khi nhổ cây 15 ngày.

- Nhổ cây con đem trồng ra ruộng sản xuất sau khi cây đủ 90 ngày tuổi.

KỸ THUẬT TRỒNG MĂNG TÂY

Giới thiệu một số giống măng tây được trồng phổ biến tại Ninh Thuận

Giống măng tây xanh

Măng tây xanh được trồng phổ biến tại Ninh Thuận cũng như trên thị trường nước ta. Diện tích trồng loại giống này chiếm hơn 90% diện tích trồng măng tây của tỉnh Ninh Thuận. Từ năm 2008, các giống măng tây UC800, UC157 của công ty Bonaza Seeds tại Mỹ đã được nhập vào Việt Nam. Năm 2016, Công ty TNHH Linh Đan Ninh Thuận nhập thêm một số giống mới xuất xứ từ Hà Lan, Thái Lan và Nhật Bản đưa vào sản xuất. Những giống măng tây xanh lai mới này có năng suất rất cao và phẩm chất tốt đang phát triển với qui mô lớn tại Ninh Thuận.

Giống măng tây trắng

Măng tây trắng thực chất là giống măng tây xanh hoặc măng tây tím, qua quá trình chăm sóc đặc biệt, che nắng, tủ bạt hoặc chụp mũ không cho ánh nắng chiếu trực tiếp. Măng tây trắng có chất lượng cao nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Giá bán của măng tây trắng cao hơn măng tây xanh. Tuy nhiên kĩ thuật trồng măng tây trắng khó hơn nhiều so với măng tây xanh, nên ở Việt Nam hiện nay việc trồng măng tây trắng còn hạn chế. Hiện nay, tại Ninh Thuận có một số giống măng tây Hà Lan trồng tại phường Văn Hải thành phố Phan Rang - Tháp Chàm tỉnh Ninh Thuận.

Giống măng tây tím

Măng tây tím mềm hơn măng tây xanh và măng tây trắng, toàn bộ đọt có thể ăn từ gốc cho đến ngọn. Măng tây tím đọt dài hơn so với măng tây xanh và măng tây trắng. Măng tây tím có chất lượng rất tốt, ăn mềm, ngon ngọt, giá thành cao hơn măng tây xanh. Tuy nhiên, do giá thành cao, chăm sóc kỹ lưỡng và thị trường chưa có thói quen tiêu thụ loại măng này nên diện tích măng còn hạn chế. Giống măng tây tím được Công ty TNHH Linh Đan đang trồng thử nghiệm giống F1 xuất xứ từ Hà Lan.

 ky-thuat-trong-va-phong-tri-benh-tren-cay-mang-tay-theo-tieu-chuan-global-gap

Chồi măng tây xanh (ảnh trái) và chồi măng tây tím (ảnh phải)

Thời vụ trồng măng tây tại các tỉnh duyên hải miền trung

Tại các tỉnh duyên hải miền trung có thể trồng vào 2 vụ trong năm đó là:

- Vụ 1: Gieo cuối tháng 2 đến tháng 4, trồng từ tháng 5 đến tháng 7 dương lịch.

- Vụ 2: Gieo cuối tháng 8 đến đầu tháng 10, trồng tháng 11-2 năm sau.

thoi-vu-trong-mang-tay

Chuẩn bị đất trồng măng tây

Măng tây sinh trưởng mạnh trên đất trồng tơi xốp giàu dinh dưỡng, pH 6,5-7,5. Bộ rễ măng tây ăn sâu đến 2m vì vậy, chiều dày tầng canh tác phải trên 1,5m. Đất trồng măng tây cũng phải có mực nước ngầm thấp trên 1,5m. Đất phải tiêu nước tốt, không bị dí dẽ, ngập úng vào mùa mưa. Đất phù sa ven sông, đất thịt nhẹ, đất cát ven biển được xem là những loại đất phù hợp để trồng măng tây. Khu vực trồng măng tây phải đủ ánh nắng bảo đảm quang hợp tốt, năng suất phẩm chất cao.

Đất trồng cây măng tây phải được cải tạo bằng phẳng, có hệ thống tưới tiêu nước tốt, tránh ngập úng. Trước khi trồng, cày 2 lần cách nhau khoảng 10 ngày, cày sâu 20-25cm.

Bón lót 20 tấn phân hữu cơ ủ hoai hoặc 1,5-2 tấn phân hữu cơ vi sinh cho 1 ha, kết hợp bón vôi 1.200-1.500 kg/ha rải đều, rồi bừa, xới đất 2-3 lần cho thật tơi xốp, sạch cỏ dại.

San phẳng mặt đất trồng, lên liếp rộng 120cm x cao 30cm, rãnh 20cm. Lên liếp xong phơi nắng 30 ngày để hạn chế mầm bệnh, sâu hại. Chú ý tạo mặt liếp dốc nghiêng về 2 bên mép liếp để không ứ đọng nước mưa, nước tưới. Tại vùng đất cát cỏ thể làm luống chìm, nhưng phải có hệ thống tiêu nước tốt vào mùa mưa.

Mật độ, khoảng cách trồng măng tây

Tùy theo điều kiện chăm sóc, có thể chọn các kiểu trồng măng tây hàng đơn, hàng đôi hoặc hàng ba.

- Trồng hàng đơn: Khoảng cách trồng 120 cm  x  45 cm tương đương 18.000 cây/ha.

- Trồng hàng đôi: khoảng cách cây 45cm, khoảng cách hàng 120cm mật độ 27.000 cây/ha.

- Trồng hàng ba: khoảng cách cây 45cm, khoảng cách hàng 120-150cm, mật độ 31.500 cây/ha.

Trồng cây măng tây con

Tuổi cây giống tối thiểu là 60 ngày đối với cây trồng trong bầu hoặc 90 ngày đối với cây con ươm trực tiếp trên liếp. Cây con có chiều cao trên 60cm, số lượng cọng rễ 10-20 cái trở lên.

Đặt cây con ngay ngắn vào hố trồng, cây cách cây 45 cm, mặt bầu ngang mặt đất trồng. Cổ rễ cây măng sau khi trồng không nên đặt cao hơn mặt đất tự nhiên quá 20-30 cm để khi cây trưởng thành bộ rễ có thể ăn sâu vào đất tự nhiên khoảng 20-30 cm. Sau khi trồng cây, lấy đất 2 bên mép liếp phủ một lớp đất mặt dày khoảng 5-10 cm cho những gốc măng để bảo vệ cổ rễ và giữ cây măng đứng thẳng. Theo dõi cây trồng thường xuyên, nếu thấy có cây bị hư hỏng, sâu bệnh hoặc chết thì tiến hành trồng dặm bổ sung ngay.

Kỹ thuật cắm cọc, giăng dây chống đổ ngả cây măng tây

Thân măng tây rất mềm yếu, tán lá rộng cành dài rất dễ đổ ngã. Nếu không có chỗ dựa gốc bị lung lay lúc còn nhỏ, cao hơn nữa sẽ đổ rạp không cho năng suất. Mặt khác, lứa thân cây thời gian sau sẽ to hơn lứa thân cây thời gian trước, rất dễ làm đổ ngả cây trồng. Để giúp cây măng đứng thẳng, cần phải giăng dây chống đổ ngả cây. Những ruộng măng tây cho năng suất cao đều được cắm cọc giăng dây rất chắc chắn.

Cách cắm cọc giăng dây:

- Ngay sau khi trồng cây con bắt đầu mọc mầm mỗi hốc cắm 1 cọc tre đường kính 1,5cm (cỡ ngón tay cái), cao 1,5m chôn sâu 0,3m làm cây chống để cây con không bị gió làm đổ rạp. Dùng dây cước nilon cỡ 10mm buộc néo cây nối các cọc với nhau để chống đổ ngã, lượng cước lưới khoảng 50kg/ha. Sau khi trồng 3 tháng tỉa bỏ các cây mẹ đã già sau đó cắm lại cọc tre và sửa lại dây cước. Có thể thay dây cước bằng lưới ô vuông 10cm x 10cm.

ky-thuat-trong-va-phong-tri-benh-tren-cay-mang-tay-theo-tieu-chuan-global-gap

- Khi cây măng tây đã lớn, tiến hành cắm 2 cọc tre ở giữa luống măng tây, đường kính cọc tre khoảng 5cm, cao khoảng 1,5m, phân khoảng cách nhau 3-4 m. Dùng dây cước nilon chắc chắn giăng thành hàng đôi (kẹp cây măng ở giữa), cách mặt liếp ở độ cao 50cm; rồi giăng thêm dây hoặc nâng dần đôi dây lên cao khoảng 75cm, 90cm, 100cm tuỳ theo độ cao lớn của cây để giữ cây luôn đứng thẳng.

Vật tư làm giàn 1000m2 trồng măng tây gồm 2000 cây tre chống đứng 1,5m cây chống ngang 400 cây, dây cước trắng 5 kg.

Kỹ thuật bón phân và chăm sóc cây măng tây

Kỹ thuật bón phân cho cây măng tây

+ Kỹ thuật bón lót trước khi trồng măng tây

Lượng phân cho 1 ha: 20 tấn phân chuồng hoặc 2 tấn phân hữu cơ vi sinh + 350 kg lân nung chảy + 65 kg Urea + 60 kg KCl,

Cách bón: Trên mặt liếp đào một rãnh dọc theo chiều dài liếp, rãnh rộng 50cm sâu 25 cm hoặc đào hố kích thước 40-40 cm cách nhau 45-50 cm. đảo đều phân với đất, sau đó trồng cây ngay ngắn.

+ Kỹ thuật bón thúc cho măng tây

Bón thúc 2 lần/tháng với liều lượng như sau:

Tháng thứ nhất và thứ 2 bón 200 kg NPK 16.16.8;

Tháng thứ 3 bón 300 NPK 16.16.8;

Tháng thứ 4 bón lần 1: 15 tấn phân chuồng+ 65 kg U rea+ 60 kg Kcl; Lần 2: 150 kg NPK 16.16.8;

Từ tháng thứ 4 trở đi mỗi tháng bón 300 kg NPK 20.20.15.

Từ năm thứ 2 trở đi: lượng phân có thể tăng lên 10-15% tùy tình hình sinh trưởng của cây. Có thể bón các loại phân khác với hàm lượng dinh dưỡng tương tự như trên. Ngoài ra, cần kết hợp sử dụng thêm các loại phân bón bổ sung các nguyên tố trung và vi lượng cho cây.

+ Kỹ thuật tỉa bớt cây yếu và dưỡng cây mẹ

- Từ ngay sau khi trồng cho đến khi cây được 135 ngày: định kỳ 15 ngày lại tỉa bỏ bớt cây yếu, cây già và cây bị sâu, bệnh để luôn giữ cho bụi măng chỉ có 4-6 cây mẹ khỏe mạnh để cho măng.

- Sau khi trồng 135 ngày: Chăm sóc đúng kỹ thuật và đủ dinh dưỡng, từ giai đoạn này cây sẽ bắt đầu trổ măng. Đón đầu lứa măng tơ này, khi quan sát thấy cây mẹ phát triển tốt, đường kính thân cây đạt >10-12mm (lớn hơn điếu thuốc lá) + lá chuyển sang màu xanh đậm thì chọn giữ lại 2-3 cây mẹ khỏe mạnh. Có thể cắt hạ bớt ngọn cây măng ở độ cao 1,2-1,3m để kích thích việc trổ măng, kết hợp dưỡng cành lá thật sum suê để lấy ánh nắng quang hợp nuôi dưỡng cây măng. Tỉa bỏ cây già, cây bị sâu bệnh, cây nhỏ và cành lá phát sinh ở phần gốc khoảng 40-50cm để thông thoáng gió phòng tránh bệnh hại cho cây. Kết hợp làm cỏ bón phân thúc.

- Chú ý quan trọng: Sau khi cắt hạ bớt ngọn 5-10 ngày, cây bắt đầu trổ măng tơ. Cần tiến hành thu hoạch cho bằng hết lứa măng tơ này (bất kể đạt hay không đạt chất lượng) để cây măng có chỗ trống chuẩn bị cho ra đời lứa măng kế tiếp nhiều hơn và khỏe mạnh hơn. Thu hoạch lứa măng tơ được 25-30 ngày thì phải tạm ngưng thu hoạch măng ngay. Không nên thu hoạch lứa măng tơ kéo dài quá 1 tháng để tránh cho cây không bị mất sức, suy kiệt, làm ảnh hưởng năng suất, chất lượng các lứa măng sau.

+ Kỹ thuật tưới nước cho cây măng tây

Nước là yếu tố quan trọng quyết định năng suất và chất lượng măng, thường xuyên cung cấp đủ nước sạch đảm bảo duy trì độ ẩm ở mức 60-70%.  Nên sử dụng nước giếng khoan, có thể tưới phun mưa,  hoặc tưới rãnh bảo đảm đủ ẩm cho măng phát triển. Định kỹ tưới tùy thuộc thời tiết và độ ẩm đất khoảng 2-3 lần/tuần, mùa mưa có thể tưới ít hơn.

Mùa nắng phải tưới thường xuyên mỗi ngày, giữ đều độ ẩm của đất khoảng 65-70% để có măng ngọt, mềm với năng suất, chất lượng cao.

Mùa mưa phải chú ý tiêu thoát nước cho thật tốt. Không được để úng ngập quá 24 giờ, sẽ làm đầu chồi măng biến dạng cong vẹo, gốc rễ cây măng và chồi măng phát bệnh, hư thối, cây sẽ không cho măng hoặc măng bị giảm chất lượng đáng kể không thể thu hoạch được.

ky-thuat-trong-va-phong-tri-benh-tren-cay-mang-tay-theo-tieu-chuan-global-gap

Mô hình tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa tầng thấp và tưới tràn cho măng tây.

Lưu ý: Chồi măng sinh sôi và phát triển chủ yếu vào ban đêm. Vì vậy, không được tưới nước cho cây măng tây xanh sau 17 giờ chiều mỗi ngày, vì nước tưới (hoặc nước trời mưa to vào buổi tối nếu có) sẽ làm cong vẹo đầu chồi măng, làm ảnh hưởng, ức chế việc sinh sôi nảy nở các chồi măng vào buổi tối hôm đó, làm giảm hoặc mất sản lượng măng vào ngày hôm sau. Chỉ nên tưới nước cho cây măng tây xanh vào các buổi sáng sớm mỗi ngày, sau khi đã thu hoạch xong lứa măng hàng ngày vào mỗi buổi sáng.

+ Kỹ thuật làm cỏ cho vườn măng tây

Trồng măng trên diện tích lớn, làm cỏ bằng tay tốn nhiều công sức và mất nhiều thời gian. Cần chủ động tính trước việc làm cỏ từ khi chuẩn bị đất trồng, để có thể sử dụng máy làm cỏ kết hợp xới xáo đất và bón phân.

- Sau khi trồng, trước mỗi định kỳ bón phân 15 ngày/lần, cần phải làm cỏ thường xuyên, liên tục, dứt điểm từ khi cỏ còn non, không để cỏ già rơi hạt tái sinh lớp cỏ con cháu.

- Không nên sử dụng thuốc trừ cỏ cho cây măng tây.

- Không dùng rơm, trấu chưa xử lý mầm bệnh để phủ gốc thay việc làm cỏ.

- Không dùng bạt nilon phủ gốc để khử cỏ, vô tình ngăn cản sự quang hợp ánh nắng làm hỏng bộ rễ chùm và ngăn cản sự phát triển của các chồi măng non. Sau khi bón phân, cần lấy lớp đất trên mặt liếp bổ sung vào gốc cây măng; cách làm này cũng giúp ích rất nhiều cho việc kiểm tra và hạn chế cỏ dại.

ky-thuat-trong-va-phong-tri-benh-tren-cay-mang-tay-theo-tieu-chuan-global-gap

Chồi măng tây bị cong vẹo và cháy khi phun thuốc trừ cỏ

+ Kỹ thuật kích thích việc trổ măng

Ở thời điểm sau khi trồng 135 ngày (4,5 tháng), khi quan sát thấy đường kính gốc thân cây mẹ đạt > 10-12 mm (lớn hơn điếu thuốc lá). Khi lá cây mẹ chuyển sang màu xanh đậm là dấu hiệu cho thấy cây sắp đến thời kỳ cho măng thu hoạch. Để cây măng tây phát triển nhanh và nhiều chồi măng, cần tiến hành cắt hạ bớt ngọn cây măng ở độ cao 1,2 m, để giúp cây mẹ phình to gốc và làm tăng thêm đáng kể lượng cành lá quang hợp cho cây, kích thích mạnh việc trổ măng, đồng thời giúp cây tăng năng suất, chất lượng măng lứa sau nhiều hơn, cao hơn lứa trước.

Thu hoạch, phân loại, bảo quản và để giống măng tây

Măng tây xanh cho thu hoạch liên tục trong vòng 2-3 tháng rồi nghỉ một tháng để dưỡng cây, như thế một năm người trồng măng tây xanh có thể thu hoạch trong vòng 8-9 tháng.

+ Thu hoạch măng tây

Măng tây xanh cho thu hoạch liên tục trong vòng 2-3 tháng rồi nghỉ một tháng để dưỡng cây, như thế một năm người trồng măng tây xanh có thể thu hoạch trong vòng 8-9 tháng.

Kỹ thuật thu hoạch măng tơ thời gian đầu:

Từ khi trồng đến khi thu hoạch khoảng 6-8 tháng tùy theo giống và điều kiện trồng trọt. Trong 4 tháng đầu không thu măng chỉ tỉa bỏ cây xấu, cây bệnh. Sau 4 lần tỉa (4 tháng tuổi kể từ khi trồng) có thể thu hoạch măng trong vòng 1 tháng, chú ý chỉ thu cây măng nhỏ hơn cây mẹ, chồi lớn để lại thay thế cây mẹ. Tiếp đến cho nghỉ dưỡng cây 1 tháng, tỉa bỏ 1 lần chừa lại cây lớn. Đến tháng thứ 6 thì thu hoạch măng hàng hóa bình thường.

Kỹ thuật thu hoạch và phân loại măng tây:

Khi các chồi măng nhú lên cao khỏi mặt đất khoảng 25-30 cm là lúc cần phải thu hoạch ngay để có được sản phẩm măng chất lượng cao. Sau khi thu hoạch, không nên để măng tây xanh tiếp xúc với ánh nắng làm cho chồi măng nhanh chóng bị già hóa, măng sẽ có nhiều xơ, mất dinh dưỡng, giảm chất lượng và mất giá trị thương phẩm.

Thời gian thu hoạch măng tây xanh là buổi sáng, thường từ 5-8 giờ sáng mỗi ngày, trước khi mặt trời mọc để măng tránh tiếp xúc với ánh nắng. Chọn chồi măng đã đạt chiều cao 20cm trở lên, dùng tay nắm chặt gốc chồi măng, nghiêng 30-45o giật nhẹ, chồi măng sẽ tách rời khỏi rễ trụ dễ dàng. Phân ra măng loại 1,2,3,4 theo yêu cầu thu mua sản phẩm, rửa sạch đất, cát (chú ý không để nước ướt đầu măng sẽ làm thối hỏng lá đài, làm hỏng chồi măng), bó lại thành bó 0,5-1,0 kg, xếp thẳng đứng nhẹ nhàng vào sọt hoặc xô nhựa. Cứ thế, tiếp tục khai thác măng mỗi ngày cho đến hết chu kỳ thu hoạch măng, khi thấy cây mẹ sắp chuyển lá vàng (lão hóa) thì ngưng thu hoạch ngay, chọn giữ lại 4-6 chồi măng khỏe mạnh làm cây mẹ thay thế (trẻ hóa), tỉa bỏ cây nhỏ, cây mẹ già và cây bị sâu bệnh. Nếu chăm sóc tốt, năm đầu mỗi cây có thể cho 1-2 chồi măng/ngày, từ năm thứ 2 mỗi cây có thể cho 2-3 chồi măng/ngày hoặc nhiều hơn tùy theo chế độ chăm sóc, trong đó có khoảng 80% là măng loại 1. Sau khi thu hoạch măng, cần phải nén chặt đất trồng nơi đã lấy măng.

Kỹ thuật sơ chế măng tây:

Măng tây xanh sau khi thu hoạch nếu để tiếp xúc với ánh nắng và bảo quản lạnh không đúng kỹ thuật bảo quản thực phẩm sẽ bị hư hỏng nhanh chóng trong vòng 2 ngày. Để tiếp xúc với ánh nắng, măng sẽ bị hóa già (xơ hóa), bị héo làm mất dinh dưỡng và giảm chất lượng, không thể phân phối cho thị trường được. Vì vậy, ngay sau khi thu hoạch, cần tiến hành sơ chế phân loại, rửa sạch, cắt cỡ, cột thành bó xong phải chuyển giao ngay cho đơn vị thu mua để họ còn kịp thời gian chế biến, bảo quản lạnh và phân phối ra thị trường, hoặc xuất khẩu. Măng đã thu hoạch nếu chưa sử dụng ngay cần phải được bảo quản lạnh 2oC hoặc cắm chân măng vào 3-5 cm nước (đá) lạnh.

Dưỡng cây măng tây sau chu kỳ thu hoạch:

            Khi cây măng tây có dấu hiệu già hóa khoảng 2-3 tháng thu hoạch liên tục hàng ngày. Cây mẹ bị suy yếu, tàn lụi, bệnh hại phát sinh nhiều thì phải dừng thu hoạch để dưỡng cây. Trong thời gian này phải chăm sóc tốt, bón đủ phân, tỉa bỏ cây yếu, cây bệnh và phòng trừ sâu bệnh triệt để trong vòng 1 tháng. Sau đó tiếp tục chu kỳ thu hoạch kế tiếp.

Lịch cho cây măng nghỉ để chăm sóc dưỡng cây:

ky-thuat-trong-va-phong-tri-benh-tren-cay-mang-tay-theo-tieu-chuan-global-gap

+ Phân loại măng tây

bang-tieu-chuan-phan-loai-mang-tay

Bảng tiêu chuẩn phân loại măng tây

bang-tieu-chuan-phan-loai-mang-tay

+ Bảo quản măng tây

Măng tây là loại rau tươi nên kỹ thuật bảo quản măng tây cần phải hết sức cẩn thận bảo đảm thời gian. Tùy theo điều kiện bảo quản và khả năng chuyên chở có thể áp dụng một số phương pháp bảo quản sau đây:

Bảo quản được 3-4 ngày: Măng tây mua về không rửa, để nguyên bó dựng đứng vào 1 cái  thau có 1-2 cm nước lạnh khỏang 5 phút. (chú ý: không cho nước dính vào đầu búp măng, vì sẽ làm thối đầu măng trong những ngày tiếp theo). Sau đó, gỡ bỏ hết những sợi thun, dùng giấy báo sạch, giấy ẩm hoặc khăn ẩm sạch quấn măng lại bỏ vào bao xốp cột kín cho vào ngăn mát tủ lạnh.

Bảo quản được 1 tuần: Cắt bỏ 1 cm gốc măng (nếu măng tươi, hái trong ngày không cần cắt bỏ) cắm vào 1 cái ly có chứa 3-6 cm nước sạch, dùng 1 túi nylon chụp lên đầu măng. Để vào ngăn mát tủ lạnh.

Xử lý măng tây bị héo: Nếu bạn không tìm mua được măng tây tươi, hoặc khi mua măng về vì 1 lý do nào đó mà măng tây bị héo, mềm bạn hảy làm theo cách sau: Cắt loại bỏ bớt phần gốc bị úng, hư rồi cắm vào 1 cái ly có chứa 3-6 cm nước sạch, dùng 1 túi nylon chụp lên đầu măng. Để vào ngăn mát tủ lạnh từ 1-2 giờ măng sẽ tươi lại.

Tài liệu kỹ thuật trồng măng tây được hoàn thành với sự biên soạn của Ths. Nguyễn Văn Tạm, Ninh Thuận, tháng 03/2019.