0
Tin tức

Kỹ thuật trồng và phòng trị bệnh trên cây sầu riêng

Sầu riêng là một trong những loại cây trồng rất khó tính. Nhà vườn cần nắm rất vững kỹ thuật trồng cơ bản và kỹ thuật làm bông để có thể có thu hoạch từ loại quả này.

Sầu riêng có tên khoa học là Duriozibethinus Murray, thuộc họ Bombacaceae, chi Durio. Sầu riêng phân bố chủ yếu ở khu vực Đông Nam Á mang yếu tố khí hậu nhiệt đới gió mùa với nắng ấm và độ ẩm cao khiến cây dễ dàng thích nghi. Ban đầu, sầu riêng chỉ là loại cây mọc dại trong các cánh rừng thuộc Sumatra và Kalimantan tại Malayxia, dần dần, sầu riêng được con người thuần dưỡng và trồng nhiều tại Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippin, Lào, Campuchia và cả Việt Nam. Sầu riêng với hương thơm lừng đặc trưng và vị cực ngọt béo rất dễ lấy lòng người thưởng thức, hơn nữa; sầu riêng còn là một trong số những loại trái cây đứng vị trí tốp đầu mang lại giá trị kinh tế cao. Tại Việt Nam, sầu riêng được bà con nông dân trồng chủ yếu ở miền  Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và khu vực đồng bằng sông Cửu Long. 
Hiện nay, do giá trị cao về mặt kinh tế nên sầu riêng được người nông dân chọn lựa làm cây trồng chủ lực kinh tế của vùng. Ngoài ra, sầu riêng chứa rất nhiều hàm lượng dưỡng chất rất có lợi cho cơ thể như: Vitamin A (20- 30 IU), Axit ascobic (23,9- 25,0 mg), Canxi (7.6-9,0 mg), Phốt pho (37,8- 44,0 mg), Laki (436 mg), Thiamin (0,20 mg), Đường (12 g), Nacin (83- 0,70 mg),  Protein ( 2,5 - 2,8 g), Chất béo ( 5,33 g), Chất xơ (3,8 g)… nên được người tiêu dùng lựa chọn.
Để góp phần vào mục tiêu canh tác sầu riêng bền vững cùng bà con nông dân, chúng tôi xin góp phần chia sẻ những kinh nghiệm về kĩ thuật cũng như phương pháp phòng trừ sâu bệnh trên cây sầu riêng trước các tác nhân thời tiết và dịch hại, đồng thời chia sẻ thêm những bí quyết giúp bà con sớm phát hiện và phòng trị bệnh trên cây sầu riêng một cách hiệu quả nhất.

 

KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CÂY SẦU RIÊNG

Chuẩn bị giống cây sầu riêng

Do là loại cây thân gỗ lâu năm và tốn nhiều công chăm sóc, nên khâu chọn cây giống là hết sức quan trọng. Giống sầu riêng được chọn lựa phải phù hợp với thổ nhưỡng khí hậu của từng vùng để tránh các tác nhân thời tiết, dịch bệnh không mong muốn có thể phát sinh. Ở Việt Nam có nhiều loại sầu riêng được ưa chuộng trên thị trường như: Ri 6, Moonthong (Dona giống Thái), Khổ qua xanh, Chuồng bò và sầu riêng Cái Mơn.

Ở đây, chúng tôi xin giới thiệu một số đặc tính vùng miền để bà con dễ dàng chọn lựa giống phù hợp. 

Thứ nhất; giống Ri 6, loại này được bà con miền tây ưu ái lựa chọn bởi quả có vị ngọt vừa, béo, cơm khô và dày, điển hình có Vĩnh Long, Bến Tre với hai địa điểm nổi tiếng là Cái Mơn và Chợ Lách. Quả có trọng lượng 2-3kg.

Thứ hai, giống Moonthong, loại này ngon không kém Ri 6 với hương dịu, ngọt béo, nhiều cơm, cơm khô ít dính tay. Quả có trọng lượng từ 2-4kg. Giống Monnthong được bà con Tây Nguyên và Đông Nam bộ đặc biệt lựa chọn.

Thứ ba, giống Chuồng bò, loại này có đặc điểm mỏng vỏ, trọng lượng khoảng chừng 2kg, cơm mềm thơm và hạt rất nhỏ, béo hơn rất nhiều so với Ri 6 và Moonthong. Giống Chuồng bò rất được bà con các tỉnh miền Tây Nam bộ lựa chọn.

Thứ tư, giống Khổ qua xanh, loại này được trồng nhiều ở khắp các tỉnh thuộc Đồng Bằng sông Cửu Long, cho năng suất cao và công chăm sóc ít. Khổ qua xanh giống như cái tên của nó, cơm màu vàng vị hơi đắng nhẹ rất đặc trưng, tuy nhiên loại này da hơi dày. Quả có trọng lượng 2-3kg.

Thứ năm, giống Cái Mơn, được biết loại này được người thầy nho học họ Lưu ở Cái Mơn mang về từ Campuchia, quả sầu riêng Cái Mơn có vỏ mỏng, gai thưa, cơm dày màu vàng như màu mỡ gà và ngọt đậm, quả có trọng lượng từ 1-2 kg.

Như vậy, tùy vào điều kiện vị trí địa lý, khí hậu ở từng vùng bà con sinh sống mà bà con sẽ dễ dàng chọn cho mình một loại sầu riêng phù hợp góp phần quản lý tốt các bệnh trên cây sầu riêng. Để tránh mua nhầm giống, hoặc giống kém chất lượng, chúng tôi khuyến khích bà con nên mua giống tại các cơ sở cung cấp giống cây trồng uy tín, cũng như liên hệ đến viện cây ăn quả tại các vùng trực thuộc.

Thời vụ trồng cây sầu riêng

Cây sầu riêng thích hợp với khí hậu nhiệt đới ẩm, do đó, việc chọn lựa thời điểm đặt cây con rất quan trọng, với sự phân bố theo địa hình như ở Việt Nam chúng ta cần lưu ý:

- Chọn thời điểm nắng nhẹ, nhiệt độ giúp cây sinh trưởng tốt là vào khoảng 22- 30 độ C.

- Nhiệt ẩm vừa phải 

- Tránh thời tiết nắng gắt hoặc mưa dầm khiến cây non khó thích nghi với môi trường.

Chuẩn bị đất trồng và kích thước hố trồng sầu riêng

Có thể trồng liếp đơn hoặc liếp đôi,

Liếp đơn: trồng một hàng thì liếp 2- 3 mét, mương rộng 5-6 mét.

Liếp đôi: trồng hai hàng cây thì liếp rộng 10-12 mét, mương rộng 4-5 mét.

Bà con có thể đào đất thành ụ ở các vùng đất thấp và phủ lên mùn hữu cơ quanh gốc.

Mật độ trồng và cách xử lý đất tác động rất nhiều đến việc xuất hiện các bệnh trên cây sầu riêng, do đó bà con cần lưu ý. Hố trồng có kích thước khoảng 60x60x60cm.

Kỹ thuật tưới nước cho cây sầu riêng

Nước có tác dụng dẫn dắt dinh dưỡng và chuyển hoá chất chất dinh dưỡng cho cây trồng. Sầu riêng cũng cần cung cấp đủ nước để duy trì khả năng sinh trưởng của cây. Tùy vào tuổi của cây mà chúng ta cung cấp lượng nước thích hợp để cây có đủ điều kiện tốt nhất thúc đẩy quá trình sinh trưởng.

Sầu riêng mới trồng: tưới giữ ẩm cho cây đều đặn mỗi ngày khoảng một tháng, thời gian tiếp theo cứ khoảng 2 ngày tưới một lần, đồng thời chú ý thời tiết mưa nhiều hoặc ít mà gia giảm lượng nước tưới.

Thời điểm cây ra hoa và mang trái non: nếu thiếu nước trái sẽ rụng, còn nếu mưa dầm thừa nước cuống trái non sẽ lỏng nên tỉ lệ trái còn trên cây sẽ thấp. Do đó, nếu thời vụ ra hoa và trái non bà con cần chú ý thời tiết nắng nóng hay mưa dầm để bù nước hoặc bớt nước cho cây để duy trì mật độ trái tối ưu cho cây. Lượng nước cho cây sầu riêng cũng thay đổi theo địa hình, do đó bà con cần lưu ý. Một điểm quan trọng cần quan tâm chính là sự khỏe mạnh của cùi sầu riêng sẽ ảnh hưởng tới số lượng trái của cây, đặc biệt mùa khô, nắng nóng nếu không cung cấp đủ nước cho cây sẽ dẫn tới hiện tượng rụng trái non hàng loạt.

Kỹ thuật tỉa cành tạo tán cho cây sầu riêng

Tỉa cành nhánh và tạo tán cho cây sầu riêng là việc thường xuyên phải thực hiện trong quá trình chăm sóc cây để tránh tình trạng cây mất cân đối khi phân chia nhánh, nhánh nhiều và um tùm khiến cây dễ mắc sâu bệnh.

Đối với cây còn nhỏ chỉ nên duy trì 5-6 cành cấp một với thân thẳng.

Đối với cây lớn 6-7 mét nên cắt bỏ ngọn để kiểm soát chiều cao của cây, nên cắt bỏ cành ở khoảng cách 60-70 cm tính từ mặt đất, loại bỏ chồi từ gốc ghép.

Cây cao khoảng 8 mét nên kiểm soát cắt ngọn để cân bằng giữa tán và chiều cao của cây. Đồng thời bà con nên thăm vườn thường xuyên nhằm dọn dẹp cành lá rụng và sớm phát hiện sâu bệnh nếu có.

Kỹ thuật bón phân cho cây sầu riêng

Là loại cây lâu năm, sầu riêng có tán rộng và thân to theo thời gian, do vậy, lượng phân bón cho cây cũng nhiều hơn so với cây trồng khác.

Nên ủ 2-3kg phân hữu cơ quanh gốc từ 20-30 ngày để cây non khi trồng có điều kiện dinh dưỡng tốt nhất, phải tưới nước giữ ẩm cho đất tránh để khô đất.

Cây trồng năm đầu duy trì đủ lượng hữu cơ cách gốc 20-30cm và đủ ẩm. 

Cây 2- 3 năm tuổi, chú ý nhiều hơn đến yếu tố Đạm, Lân, Kali và các yếu tố Trung-vi lượng. Sử dụng 10 đến 15kg hữu cơ kết hợp các yếu tố đa-trung-vi lượng cho một gốc cây, chia làm 6 lần bón trong năm.

Năm cho trái bà con nên chia làm bốn lần bón.

Lần thứ nhất, sau thu hoạch cắt tỉa cành sau đó bón 4-5kg/gốc đủ các yếu tố đa-trung-vi lượng cho cây.

Lần thứ hai, thúc ra hoa bón trước 25-30 ngày từ 4-5kg cho cây, đủ nước tránh khô gốc.

Lần thứ ba, bón 4-5kg hữu cơ kết hợp các yếu tố đa trung vi lượng cho quá trình trái non.

Lần thứ tư, trước thu hoạch 4-5 kg cho một gốc đủ các yếu tố, có thể cho nhiều hơn một phần hữu cơ để tăng hương vị cho quả.

Lượng phân cho các năm tiếp theo sẽ tăng thêm từ 10 đến 15% cho lượng cây đạt kích thước lớn.


Kỹ thuật kích ra hoa đậu trái cho cây sầu riêng

Để kích thích sự ra hoa của sầu riêng, bà con tiến hành thời kỳ khô hạn cho cây kéo dài từ 7-14 ngày tùy theo độ ẩm của đất và tình trạng của cây.

Nếu cây sầu riêng có hiện tượng héo mà chưa ra mầm thì tưới với lượng nước chỉ bằng 1/3 lúc bình thường, rồi tiếp tục siết nước tạo độ khô cho đất cho đến khi xuất hiện mầm hoa.

Sau khi mầm hoa sầu riêng ra khoảng 3-4 cm, bà con tiến hành tưới nước trở lại và phun thuốc kích tạo mầm hoa. Dùng bình tưới từ ngoài tán vào trong đến khi nước vừa chảy tràn, lần tưới tiếp theo là khi thấy lớp đất mặt bắt đầu khô (tầm 3-5 ngày).

Đồng thời cần tỉa hoa để chọn lựa những chùm hoa khỏe mạnh phân bổ đều trên các cành.

Hướng dẫn chi tiết cách thụ phấn cho cây sầu riêng

Để thụ phấn cho cây sầu riêng bà con cần có dĩa thủy tinh, dĩa sứ, nhựa…vệ sinh sạch sẽ, vải màn che phấn cùng bông gòn.

Bà con sẽ lấy phấn hoa lúc 19 giờ bởi đây là thời điểm nhị đực bun phấn nhiều nhất và chúng ta nên tranh thủ trong khoảng 4 giờ tiếp theo.

Bà con cắt hoa đực cho vào chén thuỷ tinh và nên chọn những bông hoa khỏe mạnh không sâu bệnh rồi bỏ vào màng bọc để khô ráo tránh ẩm.

Bà con bổ sung thụ phấn vào 20 đến 22 giờ đêm, dùng cọ quét phấn hoa đực vào đầu vòi nhụy hoa cái, nhẹ nhàng tránh bầm dập nhụy.
 

CÁCH PHÒNG VÀ TRỊ BỆNH TRÊN CÂY SẦU RIÊNG

Phòng trị bệnh là việc cần thiết để giảm thiểu thấp nhất những tác hại ngoài ý muốn trên cây sầu riêng nhằm tăng năng suất và ổn định tình hình dịch hại.

Ở phần này chúng tôi sẽ hướng dẫn cho bà con cách phòng và trị bệnh điển hình nhất trên cây sầu riêng.

LƯU Ý: Tất cả những thông tin phía dưới đây là liều dùng khuyến cáo, bà con luôn luôn thử nghiệm trên diện tích nhỏ trước khi sử dụng cho cả vườn.

Bệnh nứt thân xì mủ sầu riêng

benh-xi-mu-sau-rieng

Tác nhân gây bệnh nứt thân xì mủ trên cây sầu riêng

Bệnh nứt thân xì mủ trên cây sầu riêng do nấm có tên Phytophthora gây ra, phát sinh do mật độ cây dày, hố thấp, gốc ẩm thấp, thừa đạm, không cắt tỉa cành nhánh, lá rụng, hệ thống tưới tiêu kém khiến bệnh dễ hình thành.

Triệu chứng của bệnh nứt thân xì mủ trên cây sầu riêng

Vết bệnh nứt thân xì mủ trên cây sầu riêng xuất hiện trên thân mẹ, cành nhánh và đôi khi ở cả trái. Vết bệnh phủ một lớp nấm trắng, vỏ cây dần thâm và khô đi, nứt nẻ và xì mủ.

Các biện pháp quản lý bệnh nứt thân xì mủ trên cây sầu riêng

Trồng cây mật độ vừa phải có thể đón ánh nắng từ nhiều phía, gốc phải khô ráo, có thể dùng vôi quét gốc, thân, xử lý nấm đối kháng Trichoderma cùng hữu cơ. Lưu ý lượng đạm cần thiết, tránh thừa đạm, tạo hệ thống tưới tiêu tốt, tránh ẩm cao và vệ sinh vườn thường xuyên để phòng tránh bệnh nứt thân xì mủ trên cây sầu riêng

Mời quý bà con xem thêm bài viết về biện pháp điều trị dứt điểm bệnh nứt thân xì mủ trên cây sầu riêng >> Phương pháp đặc trị nứt thân xì mủ sầu riêng nhanh, đơn giản

 

Bệnh nấm hồng trên cây sầu riêng

benh-nam-hong-sau-rieng

Tác nhân gây bệnh nấm hồng trên cây sầu riêng

Bệnh nấm hồng trên cây sầu riêng do một loại nấm có tên khoa học là Corticium Salmonicolor, có tên tiếng Anh là Pink Desease gây ra. Đây là loại nấm kí sinh, tuy nhỏ nhưng chúng ta hoàn toàn có thể quan sát bằng mắt thường.

Triệu chứng của bệnh nấm hồng trên cây sầu riêng

Bệnh nấm hồng trên cây sầu riêng bà con có thể phát hiện thông qua các dấu hiệu có thể quan sát trực tiếp bằng mắt; nấm sẽ phát triển quanh thân, gốc, vỏ các cành, thậm chí bám trên đài lá già, đầu tiên những tia nấm tơ màu trắng rồi dần chuyển sang hồng. Vì vậy nên chúng ta hay gọi là bệnh nấm hồng.

Các biện pháp quản lý dịch bệnh nấm hồng trên cây sầu riêng

Các kiểm soát thông thường nhất đối với bệnh nấm hồng trên cây sầu riêng chính là trồng với mật độ vừa phải, thường xuyên cắt tỉa cành, loại bỏ nhánh khô, trung bình chúng ta nên trồng 110-120 cây/1Hecta. 

Bệnh thán thư trên cây sầu riêng

benh-than-thu-hai-sau-rieng

Tác nhân gây bệnh thán thư trên cây sầu riêng

Bệnh thán thư trên cây sầu riêng do nấm có tên khoa học Colletotrichum gloeosporioides, có tên tiếng Anh Anthracnose gây ra. Bệnh này chúng ta cũng quan sát được bằng mắt vì chúng xuất hiện chủ yếu trên lá già.

Triệu chứng của bệnh thán thư trên cây sầu riêng

Bà con có thể quan sát hai mặt lá để phát hiện bệnh thán thư trên cây sầu riêng. Bệnh bắt đầu là những vết tròn trông như vết bỏng nước ở đuôi lá, quanh mép là, rồi dần xuất hiện tâm lan nhanh dần có màu xám trắng, quanh tâm có nhưng chấm nhỏ đen li ti. Viền ngoài có màu nâu đỏ, quanh vết bệnh có quần màu vàng trắng. bệnh nặng sẽ làm lá rụng nhiều, còn ít lá trên cây.

Các biện pháp quản lý dịch bệnh thán thư trên cây sầu riêng

Bệnh thán thư trên cây sầu riêng chủ yếu do cây thiếu dinh dưỡng, xuất hiện ở cây nhỏ, cây cao trung bình, bệnh xuất hiện trên lá bánh tẻ và lá già. Do đó, cần chú ý dinh dưỡng, bổ sung đủ NPK mùa nắng, đủ nước, cần chú ý mùa mưa dầm bệnh dễ phát sinh.

Mời quý bà con xem thêm bài viết về biện pháp khắc phục hiện tượng rụng bông sầu riêng do nấm bệnh thán thư >> Trợ thủ đắc lực phòng trị bệnh thán thư trên cây sầu riêng

Bệnh cháy lá sầu riêng

Tác nhân gây bệnh cháy lá sầu riêng

Bệnh cháy lá trên cây sầu riêng do nấm kí sinh trên thực vật có tên Rhizoctonia Solani gây ra. Bệnh phát triển tạo nhiều hạch nấm trên cả lá già và lá non, nhiệt độ bệnh lây lan nhanh 26-20 độ C.

Triệu chứng của bệnh cháy lá sầu riêng

Bệnh cháy lá trên cây sầu riêng cũng được quan sát bằng mắt, bệnh xuất hiện có những đốm nhỏ sũng nước được liên kết lại dạng phỏng nước trên lá già và lá non. Những đốm nhỏ dần lớn chuyển sang màu nâu sáng có rìa nâu tối. Cây rụng nhiều lá, bệnh nặng cây gần như trụi cả lá. Bệnh dễ phát tán do nấm kí sinh còn tồn tại trên lá rụng.

Các biện pháp quản lý dịch bệnh cháy lá sầu riêng

Quản lý bệnh cháy lá trên cây sầu riêng có thể kiểm soát độ ẩm qua việc cung cấp đủ nước, giữ vườn thông thoáng, cắt tỉa nhánh, gom lá cành khô đốt. Thường xuyên làm cỏ vì nấm bệnh có thể bám vào cỏ trong vườn.

Bệnh đốm lá sầu riêng (đốm rong)

 

benh-dom-rong-hai-sau-rieng

Tác nhân gây bệnh đốm lá sầu riêng

Bệnh đốm rong (đốm lá) là do tảo Cephaleuros gây ra.

Bệnh đốm rong (đốm lá) trên cây sầu riêng thường xuất hiện trong điều kiện ẩm độ cao, vườn trồng mật độ dày, rậm rạp, có nhiều cỏ dại.

Đốm rong đặc biệt xuất hiện nhiều ở giai đoạn trước và sau khi thu hoạch, vì đây là thời kỳ sức đề kháng của cây đang suy yếu sau thời gian đậu trái.

Triệu chứng của bệnh đốm lá sầu riêng

- Đốm rong tấn công chủ yếu trên lá sầu riêng già.
- Trên lá xuất hiện những đốm có màu vàng cam như rỉ sắt, một thời gian sau chuyển sang màu xanh xám. Những đốm này có thể tụ họp lại thành mảng lớn trên lá.
- Bệnh đốm rong làm giảm khả năng quang hợp của cây sầu riêng do lá đã bị tổn thương.

Các biện pháp quản lý bệnh đốm lá sầu riêng

- Mật độ trồng thích hợp, cắt tỉa cành nhánh thường xuyên, cỏ khu vực trong tán cần dọn sạch… mục đích tạo độ thông thoáng cho cả vườn
- Chăm sóc cây tốt, tưới nước, bón phân đầy đủ giúp tang cường sức đề kháng cho cây

Bệnh vàng lá sầu riêng

Tác nhân gây bệnh vàng lá sầu riêng

Bệnh vàng lá trên cây sầu riêng do nấm Phytophthora và Fusarium gây ra. Nấm bệnh sẽ xâm nhập bộ rễ, dần tác động đến thân và cành lá, hiện tượng chảy mủ trên thân, cành xuất hiện.

Triệu chứng của bệnh vàng lá sầu riêng

Nấm bệnh tấn công khiến khả năng quang hợp của cây yếu đi dẫn đến lá vàng và rụng hàng loạt. Bệnh vàng lá trên cây sầu riêng cũng có hiện tượng chảy mủ trên thân tương tự như bệnh nứt thân xì mủ, tuy nhiên, hiện tượng chảy mủ phân bổ không đều trên thân và cành và không đi kèm các vệt nứt vỏ lớn kéo dài trên thân cây.

Các biện pháp quản lý dịch bệnh vàng lá sầu riêng

Bón vôi cho cây để cân bằng độ pH, tỉa cành tạo tán cây thông thoáng, thu gom cành lá rụng hạn chế sự lây lan. Bệnh vàng lá trên cây sầu riêng có thể được kiểm soát bằng chế độ dinh dưỡng hữu cơ hợp lý.

Bệnh rụng lá sầu riêng

Tác nhân gây bệnh rụng lá sầu riêng

Bệnh rụng lá trên cây sầu riêng loại trừ cháy lá và vàng lá do nấm bệnh thì hiện tượng rụng lá xảy ra ở lá non và lá lụa, nguyên nhân là do rầu nâu và rầy xanh chích hút gây nên.

Triệu chứng của bệnh rụng lá sầu riêng

Đầu tiên, khi đi thăm vườn bà con sẽ phát hiện lá non và lá lụa gãy rụng rất nhiều, lá không bị cháy ở đuôi lá hoặc rìa lá, lá có độ mềm tương đối, nhìn kĩ sẽ thấy vết châm kim nhỏ, bệnh rụng lá trên cây sầu riêng nếu bà con không kiểm soát kịp thời, rầy chích hút sẽ làm rụng hết các đầu chồi non và lá lụa trên cây.

Các biện pháp quản lý bệnh rụng lá sầu riêng

Đối với bệnh rụng lá trên cây sầu riêng chúng ta có thể dùng cả hai phương pháp và bẫy côn trùng và phun thuốc đặc trị và phòng ngừa. Bà con có thể dùng bẫy đèn để dẫn dụ rầy, bên cạnh cần chú ý quan sát thường xuyên ở thời điểm cây ra chồi non để sớm phát hiện rầy.

Như vậy, với những thông tin mà chúng tôi chia sẻ ở bài viết này, chúng tôi mong rằng sẽ cùng bà con canh tác sầu riêng có những giải pháp quản lý tốt các tác nhân gây sâu bệnh hại trên cây sầu riêng. Chúc bà con thành công

 

Bà con có thể quan tâm: Hướng dẫn làm bông sầu riêng từ A->Z

 

XEM THÊM:

>> CHẾ PHẨM TRỪ SÂU SINH HỌC NHŨ NEEM

>> BỘ CHẾ PHẨM FUGI PHÒNG TRỊ NẤM BỆNH AN TOÀN DÙNG TRONG NÔNG NGHIỆP SẠCH

>> BỘ PHÂN BÓN CAO CẤP XỬ LÝ RA HOA ĐỒNG LOẠT

>> Báo cáo KẾT QUẢ KHẢO SÁT HIỆU LỰC của chế phẩm nano đồng (nano copper) FUGI NANO-Cu đối với nấm bệnh Phytophthora sp.

>> PHÂN BÓN AMINO ACID LÀ GÌ? TÁC DỤNG CỦA AMINO ACID ĐỐI VỚI CÂY TRỒNG