-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Hotline
0906 618 680Hotline
0906 618 680Trụ sở văn phòng
52 Nguyễn Cừ P.Thảo Điền TP.Thủ ĐứcNgay từ đầu thế kỷ này đã có những tài liệu về hiện tượng cây tiêu bị bệnh tuyến trùng gây ra. Cho đến nay, ở tất cả những vùng trồng tiêu trên thế giới đều nói đến sự có mặt và gây hại của tuyến trùng.
Tuyến trùng có thể sống ở trong tất cả các loại đất màu mỡ hoặc khô cằn. Số lượng tuyến trùng trong đất rất lớn, từ vài chục ngàn đến vài chục triệu con trên một mét vuông.
Cho tới nay người ta đã phát hiện được hàng ngàn loài tuyến trùng khác nhau nhưng chỉ có vài trăm loài có thể gây hại cho các loài cây trồng. Riêng đối với cây tiêu ở nước ta, những nghiên cứu gần đây cũng đã phát hiện hơn 20 loài tuyến trùng có thể gây hại ở các mức độ khác nhau.
Kết quả điều tra cho thấy có quan hệ chặt chẽ giữa số lượng tuyến trùng với mức độ gây hại.
Tuyến trùng thuộc ngành giun tròn.
Tuyệt đại đa số tuyến trùng có hình dạng giống như con giun nhỏ, đôi khi cũng thấy tuyến trùng có hình thoi dài.
Một số loài tuyến trùng hại bệnh trong cây cơ thể biến đổi có dạng hình cầu, hình trái lê, hình trái chanh, hình thận..v.v..
Tuy nhiên cắt ngang thân tuyến trùng bao giờ cũng là hình tròn đối xứng.
Vỏ ngoài tuyến trùng gồm có các lớp cuticun, da và cơ bao bọc.
Bên trong cơ thể chủ yếu là hệ thống tiêu hóa đi từ miệng qua thực quản, ruột, đi tới hậu môn. Ngoài ra, trong xoang thân còn có bộ máy sinh dục.
Cơ thể tuyến trùng chia ra làm 3 phần:
- Phần đầu gồm có đầu và yết hầu có thực quản đi qua.
- Phần giữa gồm có ruột giữa và các tuyến sinh dục.
- Phần đuôi tuyến trùng được tính từ hậu môn trở xuống.
Chiều dài tuyến trùng 0,5 đến 2 mm, được coi là những tuyến trùng có kích thước nhỏ.
Vì vậy, thường không thể nhìn thấy những tuyến trùng này bằng mắt thường mà phải dùng kính hiển vi có độ phóng đại lớn để quan sát và xác định các giống và loài tuyến trùng khác nhau.
Cấu tạo miệng tuyến trùng hại rễ tiêu
Ở hốc miệng trên đầu, ngoài vòng môi, một số tuyến trùng có răng giả hoặc răng thật cử động được.
Ở đa số tuyến trùng hại cây, răng biến thành kim hút (mấu). Có hình dạng giống như cái kim rỗng, nằm ngay ở đầu tuyến trùng. Bình thường kim nằm thụt vào phần đầu, chỉ khi chích hút dịch cây tuyến trùng mới thò kim ra, cắm vào các bộ phận cây, hút dịch đưa vào ruột.
Cấu tạo bộ phận sinh dục tuyến trùng hại rễ tiêu
Đa số tuyến trùng đều phân ra con đực, con cái.
CON ĐỰC hầu hết có dạng hình trụ hoặc hình thoi dài.
Bộ phận sinh dục chúng gồm hai túi tinh, ống dẫn tinh và gai giao phối.
CON CÁI ở một số trường hợp biến dạng thành hình cầu, quả lê hay hình thận.
Bộ phân sinh dục của chúng gồm buồng trứng, ống dẫn trứng, tử cung, âm đạo và lỗ sinh dục cái.
Trong một số trường hợp, con cái có thể sinh sản mà không cần con đực.
Thường thường đối với các loài tuyến trùng hại cây, con cái nhiều hơn con đực.
Một số loài gây bướu rễ như Meloidogyne có thể sinh sản hoàn toàn không cần con đực.
Tuyến trùng đa số đẻ ra trứng
Mỗi con cái có thể đẻ từ vài trăm tới hàng ngàn trứng. Có loài tuyến trùng đẻ rải rác mỗi lần vài trứng, có loài đẻ tập trung hàng trăm trứng vào một bọc để bảo vệ trứng tránh những điều kiện bất lợi của môi trường như tuyến trùng gây bướu rễ tiêu Meloidogyne Incognita.
Trứng nở ra tuyến trùng non
Về hình dạng, chúng gần giống con trưởng thành nhưng kích thước nhỏ hơn và bộ phận sinh dục chưa phát triển. Tuyến trùng non có 4 tuổi. Sau mỗi tuổi, chúng lột xác một lần và lớn lên. Sau lần lột xác thứ 4 là tuyến trùng trưởng thành, có cơ quan sinh dục hoàn chỉnh, bắt đầu sinh sản được.
Ở một số loài chỉ thấy tuyến trùng non có 3 lần lột xác và tuổi 1 chuyển sang tuổi 2 ở ngay trong trứng. Khi trứng nở ra, tuyến trùng non đã ở tuổi 2.
Tuyến trùng non tuổi 1, tuổi 2 có miệng và thực quản nên có thể hút ngay dịch cây để sống và phát triển.
Nếu tuyến trùng non không nằm ngay trên cây mà nở ra trong đất thì chúng phải di chuyển để tìm đến cây.
Tuyến trùng non chỉ có thể di chuyển vài chục centimet.
Tuy nhiên, quá trình chăm sóc tưới bón, xới xáo có thể giúp cho tuyến trùng nhanh chóng tiếp xúc với cây qua nước hay các công cụ lao động.
Vòng đời của tuyến trùng từ trứng nở ra tuyến trùng non đến trưởng thành dài ngắn khác nhau, từ vài ngày cho tới vài tháng.
Tuy tuyến trùng phân bố rất rộng trong tự nhiên nhưng chúng cũng đòi hỏi những điều kiện môi trường sống rất chặt chẽ (thức ăn, nhiệt, ẩm v.v...). Những điều kiện đó quyết định khả năng tuyến trùng có thể tồn tại và phát triển được hay không.
NHIỆT ĐỘ - là một yếu tố quan trọng quyết định khả năng sống và tốc độ phát triển của tuyến trùng. Mỗi tuyến trùng khi hại trên một loại cây đều có khoảng nhiệt độ thích hợp nhất. Đối với tuyến trùng gây bướu rễ tiêu M.incognita nhiệt độ thích hợp nhất là từ 20-30 độ C. Ở nhiệt độ từ 0-5 độ C, tuyến trùng non bị chết hết. Tuy nhiên điều đó còn tùy thuộc vào ẩm độ. Trong môi trường khô, tuyến trùng chịu đựng tốt hơn trong môi trường ẩm.
ẨM ĐỘ - có vai trò rất lớn trong đời sống của tuyến trùng. Chuyển động của chúng trong đất nhờ vào môi trường nước. Tuy nhiên, điều kiện quá thừa ẩm hay quá hạn đều không có lợi cho tuyến trùng. Điều kiện ngập nước có thể làm cho Meloidogyne spp. Và nhiều loài tuyến trùng khác nằm trong đất bị chết. Trong điều kiện ẩm, trứng dễ dàng nở thành tuyến trùng non đồng thời cũng dễ xâm nhập và hại rễ cây hơn. Vì vậy mật độ tuyến trùng tăng lên sau những trận mưa.
ĐỘ THOÁNG KHÍ rất khác nhau trong các loại đất và nó cũng ảnh hưởng đến hoạt động của tuyến trùng. Một số nhà nghiên cứu cho rằng đất càng thông thoáng, hoạt động của tuyến trùng hại cây càng mạnh. Ngược lại, trong tình trạng thiếu oxy, số lượng tuyến trùng hại cây giảm rõ. Tuy nhiên, thực thế thấy rằng một số loài tuyến trùng như M.Incognita có thể sống vài ngày ở trong đất hoàn toàn không có oxy. Nhìn chung, tuyến trùng có thể chịu đựng được lượng khí CO2 cao ở trong đất nhưng lại bị ảnh hưởng rõ rệt khi lượng khí oxy giảm.
XEM THÊM >>> Những tuyến trùng hại rễ tiêu thường gặp
Khi gây hại cho cây tiêu, tùy theo đặc tính sinh học của từng giống tuyến trùng mà chúng có thể chui sâu vào mô rễ, chui một phần hoặc hoàn toàn nằm ngoài để hút dịch từ tế bào rễ hoặc gốc thân.
Sự phát triển các kim chích ở tuyến trùng hại cây là đặc điểm giúp cho chúng có thể dễ dàng hút thức ăn từ cây qua các kim chích đó. Trong nhiều trường hợp, tuyến trùng còn tiết vào mô cây một số chất có hoạt tính men để phân giải và làm lỏng thức ăn trước khi hút. Vì vậy người ta nói tuyến trùng tiêu hóa thức ăn ngay từ ngoài cơ thể của chúng.
Có một số loài thuộc giống Meloidogyne đã phát hiện trên rễ tiêu ở nước ta như M.Incognita, M.Arenaria, Meloidogyne sp. Điểm đặc biệt của nhóm tuyến trùng nội ký sinh này là khi chui vào rễ tiêu hút dịch cây, chúng đã tạo thành những u bướu rất dễ nhận biết. Tuyến trùng non tuổi 2 đã có thể nằm trong rễ tiêu để gây hại. Chúng di chuyển dọc theo tầng sinh vỏ. Phần đầu tuyến trùng lúc đầu nằm ở lõi phân sinh sau chuyển qua trụ bì. Những tế bào lõi phân sinh do ảnh hưởng của các chất tiết của tuyến trùng đã phân chia nhân tế bào và tăng trưởng kích thước tạo thành đại bào nhiều nhân, lại trở thành nguồn cung cấp thức ăn cho tuyến trùng.
Những u bướu ở rễ tiêu là nơi tập trung các đại bào, nơi có tuyến trùng gây hại. Mỗi bướu có thể có một hoặc vài tuyến trùng. Tùy theo số lượng tuyến trùng, thời gian gây hại và loại rễ bị hại lớn hay nhỏ mà bướu có thể lớn từ vài milimet cho tới 1-2 cm. Bướu có thể nằm ở đầu hoặc nằm ở đoạn giữa của rễ. Trên một nhánh rễ có thể có tới 5-7 bướu màu trắng ngà, dòn, xốp. Khi bẻ ra bên trong bướu có những chấm thối đen. Khi quan sát dưới kính lúp có thể thấy tuyến trùng cái cùng với bọc trứng trong rễ.
Tuyến trùng Meloidogyne có thể hại tiêu ở các loại đất khác nhau, ở các giống khác nhau, ở các tuổi khác nhau: từ tiêu mới trồng 2-3 năm tới những vườn tiêu trên 10 năm. Bộ rễ có bướu tuyến trùng thường phát triển rất kém, thối dần từ dưới lên trên, thâm đen từng đoạn.
Cây tiêu bị tuyến trùng hại nặng lúc đầu có hiện thượng vàng đều các lá ở nửa dưới tán lá. Lá có màu vàng tươi và không có những vết nâu, đen như ở bệnh nấm. Dần dần lá chuyển khô vàng, tán cây ủ rũ, kém phát triển như khi cây bị hạn hoặc thiếu phân.
Những tuyến trùng còn lại, ngoài, Meloidgyne Khi chích hút rễ và gốc thân cây gây ra những tác hại gần giống nhau và khó thấy bằng mắt thường. Khi chích hút tế bào chúng làm cho rễ bị còi cọc hoặc thối đen, làm ảnh hưởng đến hoạt động của bộ rễ, suy giảm hoạt động sinh lý bình thường của cây.
Tuyến trùng làm cây tiêu cằn cỗi, phát triển kém, giảm năng suất rõ rệt, tuy rằng chúng ít khi trực tiếp làm chết cây. Cây bị tuyến trùng hại trở nên kém chống chịu với điều kiện ngoại cảnh. Cây tiêu dễ bị mẫn cảm hơn khi thiếu các chất dinh dưỡng và khi gặp những điều kiện sinh trưởng không thuận lợi.
Có một điểm rất đáng chú ý là khi các loài tuyến trùng nêu trên hại tiêu thì cây tiêu rất dễ bị nhiễm các loại bệnh nấm khác. Trong trường hợp cây bị nhiễm thêm các loại ký sinh này nhiều khi rất khó thấy vai trò lúc đầu của tuyến trùng mở đường cho nấm xâm nhập.
Khi chỉ có các tuyến trùng hại cây, chúng gây ra các hiện tượng thối rễ, làm thay đổi hoạt động sinh lý bình thường của cây, làm thân ngắn lại, nhỏ đi, lá héo vàng, ngắn, hẹp và xoắn lại. Nhìn chung, cây cằn cỗi, kém phát triển, năng suất giảm sút.
XEM THÊM:
>> BỘ CHẾ PHẨM FUGI PHÒNG TRỊ NẤM BỆNH TRONG ĐẤT AN TOÀN DÙNG TRONG NÔNG NGHIỆP SẠCH
>> PHÂN BÓN AMINO ACID LÀ GÌ? TÁC DỤNG CỦA AMINO ACID ĐỐI VỚI CÂY TRỒNG
>> TÌM HIỂU VỀ ỨNG DỤNG CỦA CÔNG NGHỆ NANO TRONG NÔNG NGHIỆP
>> VỀ TRANG CHỦ
Miễn phí giao hàng toàn quốc
Tiếp tục mua hàng
Viết bình luận